Chuyển tới nội dung
Home » Blog » Kỹ thuật trồng cây bằng lăng rừng hoa phủ từ gốc đến ngọn

Kỹ thuật trồng cây bằng lăng rừng hoa phủ từ gốc đến ngọn

Kỹ thuật trồng cây bằng lăng rừng hoa phủ từ gốc đến ngọn

Cây bằng lăng rừng là giống cây mọc hoang rải rác trên các sườn, đồi núi. Vẻ đẹp của chúng đặc biệt hơn nhiều so với những cây bằng lăng chúng ta thường thấy trong sân trường hay các con phố. Cùng tìm hiểu xem loại cây này có gì đặc biệt nhé!

Giới thiệu về cây bằng lăng rừng

Cây bằng lăng được phân chia ra thành rất nhiều giống loài dựa vào đặc điểm, màu sắc hay kích thước cây. Chúng có nguồn gốc từ vùng Nam Á và là giống cây đặc thù thường thấy ở Ấn Độ. Loại cây bằng lăng truyền thống thường thấy có hoa màu tím và mọc thành từng chùm, cánh hoa mỏng như hoa giấy và nở nhiều vào mùa hè. Cây có rất nhiều màu và giống loài, điển hình có thể kể đến những giống cây sau:

Cây bằng lăng ổi hoa trắng

Loại cây này có hoa màu trắng và hình dáng cây khá giống với cây ổi. Hoa cũng mọc thành từng chùm, lá dài khoảng 20cm, mang vẻ đẹp nhẹ nhàng và thanh khiết. Cây bằng lăng ổi đường trồng nhiều trên các con phố hay tại những căn biệt thự lớn.

Cây bằng lăng thái

Cây bằng lăng thái không cao lớn như những giống cây khác mà chúng có kích thước khá nhỏ, chỉ khoảng 40cm – 1m. Hoa bằng lăng thái có màu tím và mép hoa có hình sóng uốn lượn, mọc thành từng chùm. Lá cây đậm hơn so với các giống cây bình thường, cây ra hoa sớm hơn và ít rụng. Loại cây này thường được sử dụng trồng nhiều trang trí nhà cửa hơn.

Cây bằng lăng rừng

Giống cây này cũng là loại mà chúng ta đang tìm hiểu. Cây thường mọc rải rác trên mạn sườn, đồi núi và ra hoa rất đẹp. Cánh hoa to hơn và thường nở vào tháng 6 tháng 7 âm lịch, muộn hơn so với giống bằng lăng thường thấy.

Cây bằng lăng rừng có tên khoa học là Lagerstroemia speciosa, xuất xứ từ các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và những vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, cây mọc nhiều nhất trên các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ,… Cây được trồng chủ yếu để tạo cảnh quan môi trường và lấy gỗ.

Những đặc điểm nổi bật của cây bằng lăng rừng

Cây bằng lăng rừng thuộc giống cây thân gỗ lớn, chiều cao trung bình từ 30-35m. Trong điều kiện sinh trưởng tự nhiên, cây có thể cao tới 40-80m. Cành cây mảnh khảnh và thường phân tán ngang. Lá cây hình mũi mác, thuôn dài, nhọn dần về phía đỉnh và tù ở gốc, kích thước lá khá nhỏ khoảng 7-14cm.

Hoa bằng lăng rừng có sự khác biệt so với giống bằng lăng tím. Sắc hoa xen lẫn giữa hai màu trắng và tím nhạt, mọc thành cụm ở ngọn. Mỗi cành có 6-9 bông hoa, mỗi hoa gồm 6 thùy hình ba cạnh, có nụ hình nón, đài hình chuông và có nhiều lông mềm. Mang vẻ đẹp khá độc đáo nên cây cũng rất được ưa chuộng uốn thành cây bonsai.

Quả bằng lăng có hình cầu, khi non có màu tím nhạt và khi về già có màu nâu gỗ và rất cứng, bên trong có chứa hạt.

Vốn là giống cây sinh trưởng trong môi trường tự nhiên nên cây bằng lăng rừng rất dễ trồng và có thể chịu hạn, nắng nóng tốt. Cây có thể sinh trưởng mạnh mẽ bất kể trồng tại đâu và trên mọi loại đất, kể cả đất sỏi.

Tiêu chuẩn chọn giống và kỹ thuật chăm sóc cây bằng lăng rừng

Cây bằng lăng rừng thường được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt và giâm cành. Tuy nhiên phương pháp giâm cành thường được lựa chọn nhiều hơn vì tỉ lệ thành công cao.

Tiêu chuẩn chọn giống

Nếu bạn muốn trồng cây bằng lăng rừng bằng phương pháp gieo hạt thì điều kiện tiên quyết chính là chọn giống. Bạn cần chọn giống cây từ những cá thể khỏe mạnh và không bị sâu bệnh, dáng đẹp, độ tuổi từ 10-20 là vừa đẹp. Tiến hành các bước như sau:

  • Lựa chọn những quả chín trên cây mẹ, phân loại và phơi nắng nhẹ để tách hạt. Trong đó, những quả chưa chín được lọc ra và đem ủ lại thành đống, trong khoảng 2 – 3 ngày sau quả sẽ chín đều.
  • Hạt giống sau khi tách sẽ được đem hong khô ở nơi râm mát 2 – 3 ngày.
  • Tiến hành chọn lọc lại để loại bỏ những hạt không đạt tiêu chuẩn và bảo quản hạt ở nơi khô ráo.

Các bước trồng cây bằng lăng rừng

Bước 1: Gieo hạt ngoài luống theo tỷ lệ hạt và cát khô là 1:3, lưu ý rải đều hạt trên mặt luống.

Bước 2: Phủ một lớp cát mịn lên trên dày khoảng 3 – 4mm, tưới ít nước để cung cấp đủ đổ ẩm.

Bước 3: Che phủ mặt luống bằng rơm, cỏ khô đã khử trùng bằng nước vôi, tưới nước hàng ngày cho hạt giống.

Bước 4: Sau 3 – 4 tuần thì nhổ các cây non và tiến hành cấy vào bầu đất, sau đó che nắng toàn bộ cây non từ 5-6 ngày.

Bước 5:  Khoảng 15 ngày sau khi cây con đã bén rễ thì tháo bớt giàn che ra để không khí thông thoáng, tạo không gian cho cây phát triển.

Bước 6: Sau khoảng 1 tháng hoặc tháng rưỡi thì tháo hoàn toàn giàn che và để cây sinh trưởng một cách tự nhiên.

Thời điểm thích hợp trồng cây bằng lăng rừng

Khi gieo trồng cây, hãy tránh những tháng có mùa mưa lớn hoặc nắng gay gắt, thời điểm thích hợp nhất là khoảng tháng 2 hoặc tháng 3. Cây mới trồng cần được cung cấp đủ nước hàng ngày.

Mỗi cây bằng lăng rừng nên được trồng cách nhau 3 – 4m, các hàng cách nhau 4 – 5mm. Ngoài ra mật độ thích hợp đối với cây bằng lăng rừng là khoảng 500 – 830 cây/ ha.

Sau khi cây đã cứng cáp thì có thể hoàn toàn bỏ giàn che để cây hấp thụ nguồn dinh dưỡng có trong môi trường tự nhiên. Hãy đảm bảo cây được hứng sáng toàn bộ và đầy đủ ánh nắng, độ ẩm.

Chăm sóc cây bằng lăng rừng đúng cách

Phân bón

Bạn cần bón phân cho cây ngay từ lúc chưa đặt cây con vào ít nhất 15 ngày. Về lượng phân bạn có thể dùng 5 – 10kg phân chuồng hoai cho 1 hố + 100gr phân NPK cho 1 hố. Phân cần được trộn đều với đất rồi lấp đất đầy hố. Ngoài ra, bạn có thể bón thêm phân hữu cơ hoặc NPK định kỳ. Sau 3 năm cây sẽ phát triển mạnh hơn, lúc này lượng phân bón cũng cần tăng theo, bón lúc làm cỏ hoặc vào mùa mưa.

Tưới nước

Cây bằng lăng rừng có khả năng chịu hạn tốt nên không cần tưới quá nhiều nước. Tuy nhiên trong 3-4 năm đầu bạn vẫn cần phải chú trọng việc tưới nước cho cây để cung cấp đủ độ ẩm cần thiết cho cây phát triển tốt, tránh tưới quá nhiều dễ khiến cây bị ngập úng.

Phòng ngừa sâu bệnh

Cây bằng lăng rừng ít khi bị sâu bệnh, tuy nhiên giai đoạn cây con mới trồng cần được làm sạch cỏ để tránh sâu bệnh có cơ hội gây hại cho cây. Cây có thể sẽ mắc một số bệnh như nấm bệnh, sâu hoặc côn trùng ăn lá, thối rễ,… Trong trường hợp này, bạn chỉ cần phát hiện và điều trị kịp thời cho cây thì sẽ không lo có vấn đề gì xảy ra.

Cắt tỉa và tạo dáng cây

Nếu bạn muốn tạo dáng bonsai cho cây bằng lăng rừng, hãy thực hiện uốn cây vào cuối tháng 7 là lúc cây phát triển mạnh và ra nhiều chồi non. Cắt tỉa các cành cây để tạo dáng theo ý muốn, dùng dây kẽm, đồng, chì hoặc dây vải để quấn cây, uốn từ thân trước rồi đến cành chính. Sau khoảng 1 năm có thể tháo dây uốn và bạn sẽ có một cây cảnh bonsai ưng ý.

Những lưu ý khi chăm sóc cây

  • Cây bằng lăng rừng là loại cây ưa sáng, do đó chúng cần được trồng ở những nơi có đủ ánh sáng tự nhiên, tránh trồng cây dưới tán cây khác hoặc trong bóng râm.
  • Đất trồng phải tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt để cây không bị ngập úng hay thối rễ.
  • Nếu trồng trong cảnh quan đô thị thì cây non cao khoảng 1m phải được quây lưới bảo vệ để không bị mưa gió hay tác động khác làm gãy.
  • Trong 3 – 4 năm đầu khi trồng, cây cần được chăm sóc thật kỹ lưỡng, bón phân hữu cơ 1 – 2 lần/ năm, nhặt cỏ, tưới nước hằng ngày cho cây để cây có thể phát triển ổn định và sinh trưởng tốt.

Hy vọng sau bài viết này bạn cũng có cái nhìn rõ hơn về cây bằng lăng rừng, một loại cây tưởng lạ lẫm mà lại rất thân quen phải không!

Chia sẻ nếu bạn thấy hay:

Bài viết liên quan